Trước đây, với những không gian nhà nhỏ hẹp, gia chủ thường tận dụng không gian áp mái làm nhà kho, những căn phòng dạng cơi nới, tạm bợ…
Tuy nhiên, trong thiết kế kiến trúc hiện đại ngày nay, nhiều gia đình đã “make up” cho không gian thú vị này thành những góc sinh hoạt rất độc đáo và ấn tượng.
Cách sắp xếp linh hoạt của KTS giúp cho nội thất phù hợp với tường thấp của toàn bộ không gian. Cách “thích ứng với hoàn cảnh” và bố cục phân chia căn nhà cũng khá hợp lý, KTS chia đều các không gian chức năng để có mỗi không gian hợp lý nhất.
Gian bếp được thiết kế mở, hướng tầm nhìn ra ban công và được sử dụng chất liệu gỗ công nghiệp có hoa văn sọc ngang nhằm tăng chiều cao và độ rộng rãi cho không gian.
Tủ bếp hình chữ L được thiết kế gọn gàng, thêm những màu sắc của hoa quả mang đến hơi thở tuyệt vời của cuộc sống cho gian nấu nướng.
Căn hộ nằm ở vị trí trên cùng của toà nhà chung cư nên dĩ nhiên, nó sẽ nhận được nhiều ánh sáng tự nhiên. Vì vậy, đây cũng là một lợi thế cho căn hộ khi ban ngày luôn tràn ngập ánh nắng và ban đêm lại có thể ngồi trò chuyện, ngắm trăng bên khung cửa sổ…
Để góp phần mang đến vẻ đẹp tươi tắn cho không gian, mỗi gian phòng trong căn hộ đều được trang trí những lọ hoa tươi, cây cảnh và thảm màu xanh. Những điểm nhấn nhẹ nhàng đó cũng giúp cho căn nhà trở nên xanh mát, tràn đầy sức sống.
Hầu hết các không gian đều bị hạn chế bởi độ dốc của trần nhà, do vậy việc bài trí nội thất cũng cần hết sức linh hoạt. Ở những đoạn tường dốc, gia chủ “tận dụng” để bài trí những nội thất có độ cao vừa phải như sofa, tạo bức tường treo ti vi hay đặt chiếc giường ngủ…
Do không gian khá chật hẹp nên gia chủ vẫn dành diện tích vừa phải cho việc thiết kế phòng tắm. Gian phòng dành cho việc thư giãn được sắp xếp đơn giản, gọn gàng nhưng vẫn đầy đủ và tiện nghi. Đặc biệt, căn phòng này sử dụng thêm vách kính và gương để tăng độ sạch thoánh và sáng cho không gian.
Hai phòng ngủ của gia đình đều được đặt sát bức tường dốc nhằm tận dụng không gian. Mỗi phòng ngủ đều có bàn ghế gỗ đặt cạnh cửa sổ tạo bầu không khí thoải mái nhất cho việc học tập và làm việc.
Phía cuối mỗi giường đều có tủ cất trữ quần áo đặt gọn gàng bên góc tường khiến căn phòng chật hẹp này trở nên thoáng đãng hơn.
Góc sâu nhất của căn hộ là nơi không có cửa sổ, gia chủ đã khéo léo thiết kế thành khu vực giặt là nhằm tiết kiệm không gian một cách tối đa.
Lợi thế của căn hộ áp mái này đó là có một ban công khá đẹp, có tầm nhìn rộng bao quát xung quanh. Chỉ cần 4 chiếc ghế mây và 1 bàn trà là gia đình đã có một không gian thoải mái cho những phút thư giãn mỗi khi rảnh rỗi.
Tầng áp mái là không gian “có một không hai” trong nhà ở gia đình. Nơi đây có nhiều ưu thế về mặt không gian, khả năng lấy ánh sáng tự nhiên tốt và có tầm nhìn đẹp mắt ra cảnh quan bên ngoài. Do đó, khi thiết kế bố trí, bạn nên mở những cánh cửa sổ theo đường xéo của mái nhà.
Không chỉ giúp không gian căn phòng thêm thông thoáng, những chiếc cửa sổ này còn được ví như những “cửa sổ trời” khiến căn phòng tràn ngập ánh sáng tự nhiên.
Do vị trí nằm ở sát mái nhà nên không gian bên trong của tầng áp mái thường để lộ hệ thống xà nhà, dầm, kèo cột. Theo phong thủy, xà nhà, kèo, dầm nhà nằm phía trên đầu sẽ khiến người bên dưới có cảm giác bị đè ép, làm tổn hại đến tinh thần. Do đó, bạn nên làm trần giả, trần thạch cao uốn nghiêng theo mái nhà hoặc làm hình vòm cong, giật cấp… giúp che đi hệ thống xà, kèo cột, giúp không gian thêm thoáng đãng, rộng rãi.
Sưu tầm