Trong Dịch lý phương Đông có quy ước phong thuỷ xem nhà ở là phần dương trạch, tương ứng với đàn ông thuộc dương, để làm cơ sở tính tuổi, vị trí, phương hướng cho các thành phần cửa, bếp, bàn thờ… của ngôi nhà. Điều này nghe qua có vẻ như “trọng nam khinh nữ” nhưng thực ra đó là đặc trưng rất hợp lý của văn hoá Việt Nam xưa nay: thống nhất tính tuổi cho một người chủ mang tính quy ước chứ không chia ra phức tạp.
Việc tính hướng nhà hướng bếp theo tuổi người đàn ông trụ cột trong gia đình (nhưng không vượt qua lục thập, tức là ngoài 60 tuổi thì coi như… nghỉ ngơi hưu trí, để cho con cháu lo liệu làm nhà) cũng là hợp lý về tôn ti trật tự và sự phát triển của gia đình.
Còn câu “đàn ông cái nhà, đàn bà cái bếp” mà ta hay nghe nói là nhắc nhở về phân công lao động và vai trò của từng giới trong sinh hoạt gia đình, chứ không phải tính tuổi của mẹ, của vợ… như một số người hay nghĩ, hay ai đứng nấu bếp thì tính toán hướng bếp theo người đó. Vì nếu thế thì một số nhà có lẽ phải tính tuổi của… người giúp việc luôn chăng?
Dĩ nhiên, khi gặp trường hợp nhà toàn là nữ giới thì mới tính tuổi phong thuỷ làm nhà theo tuổi người phụ nữ nào quyết định sự tồn tại của gia đình và là người sẽ cư ngụ lâu dài hơn cả trong ngôi nhà đó. Nếu ngoài 60 tuổi, hoặc tuổi còn quá nhỏ, hoặc người nữ sẽ xuất giá lấy chồng đi chỗ khác, không ở lâu trong nhà thì không tính.
Việc bạn đun nấu chủ yếu ở sân sau cho thoáng đồng nghĩa với việc bếp đặt trong nhà chỉ như “làm kiểu”, hoặc là dạng bếp gọn theo kiểu phương Tây về cơ bản không ảnh hưởng phong thuỷ. Nhưng tốt hơn cả là bạn nên đặt các không gian bếp trong và ngoài kề cận nhau theo một vùng nhất định trên mặt bằng của nhà để tránh đi lại nhiều, và sẽ trùng với phương vị đặt bếp, đồng thời nếu có thể nên xoay hai bếp cùng hướng với nhau.
Ví dụ bếp trong nhà làm đơn giản, kế bên là cửa mở ra sân sau, tại sân sau này gia chủ đặt bếp đun nấu chủ yếu, và cũng xoay miệng bếp theo hướng của bếp trong nhà.
Bài viết này trình bày với bạn đọc những kinh nghiệm và sự tổng hợp các văn bản cổ kim liên quan đến phong thủy, cụ thể:
1. Trong phong thủy, phân nền nhà tính từ tâm thành 8 hướng khác nhau. Trong đó có 4 hướng và phương vị tốt, xấu của gia chủ. Trên cơ sở này, bếp phải được đặt ở phương vị tốt, quay về hướng tốt và lưng bếp – phong thủy gọi là tọa – phải là một hướng tốt. Đây là trường hợp tối ưu của vị trí bếp. Trong trường hợp tối thiểu thì phải đảm bảo được hướng bếp tốt.
2. Hướng bếp ngày xưa được quan niệm là hướng của cửa lò nấu. Khi bếp dầu, bếp ga ra đời … thì hướng bếp được coi là hướng của tay vặn. Nhưng bài viết này, người viết đưa ra một định nghĩa về hướng bếp căn cứ theo vị trí người nấu và hướng bếp cổ truyền là: Lưng người nấu bếp khi đối diện với bếp quay về hướng nào thì hướng đó gọi là hướng bếp.
Những yếu tố cần tránh khi đặt bếp
– Xà nhà (đà) không được đè lên mặt bếp.
– Không được đặt đối diện với vòi nước, bồn rửa, thùng nước, tủ lạnh, máy giặt, cửa nhà vệ sinh.
– Các phương tiện nấu như: bếp ga, bếp điện, lò viba … phải cùng một hướng.
– Lưng bếp không được quay ra cửa chính.
– Bàn bếp hình chữ nhật hoặc chữ L thì một đầu không được đâm vào cửa toilet hoặc hành lang.
– Bếp không được đặt dưới gầm cầu thang.
– Bếp không được đặt dưới nhà vệ sinh, hoặc phòng tắm ở tầng trên.
– Cầu thang không được đâm thẳng vào bếp
– Bếp không được đốt vào phòng ngủ.
Phong thủy quan niệm bếp là một trong ba yếu tố rất quan trọng. Màu sắc trong bếp ưa chuộng hiện nay là màu gỗ (mộc), màu đỏ sậm (hỏa) hoặc màu vàng (thổ) vừa tránh nóng vừa tăng sự ấm cúng cho nơi quây quần của các thành viên trong gia đình. Do đó, dù hướng nhà không được như ý thì việc đặt bếp và hướng bếp sẽ là một yếu tố cân đối lại việc tốt, xấu trong phong thủy của ngôi nhà.